Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Phương pháp tọa thiền niệm Phật


Chuẩn bị trước khi ngồi:
- Chọn nơi thoáng mát.
- Thân tâm thành kính, y phục trang nghiêm.
- Tư thế ngồi Kiết già hoặc Bán già (Có thể ngồi trên ghế)

Khi ngồi vững rồi thì động thân nhè nhẹ qua lại khoảng 3 đến 5 lần. Sau đó tới vai, rồi tới cánh tay, tới cổ, tới hai bàn tay xoay tròn qua lại 5 lần, đưa ra phía trước 3 lần rồi xoa cho hai bàn tay nóng lên áp vào mí mắt vuốt ra 3 lần. Lại xoa nóng bàn tay áp vào mí mắt vuốt xuống 3 lần. Ba lần vuốt ra, 3 lần vuốt xuống, xong lại xoa nóng để chà 2 bên Thái dương 8 lần, 2 bên tai 18 lần rồi đặt tay phải xuống đầu gối, tay trái xoa đỉnh đầu theo chiều kim đồng hồ 10 lần. Cuối cùng từ từ buông tay xuống, hai tay đặt trên hai bàn chân. Xong kiểm tra lại một lần cuối bằng cách khẽ động thân xem tư thế ngồi đã vững chưa...

- Khi thấy thân vững rồi thì đọc bài kệ:

1. Nếu ngồi Bán già thì đọc bài kệ:
                Bán Già phu tọa, (Chính thân đoan toạ)
                Đương nguyện chúng sinh,
                Thiện căn kiên cố,
                Đắc bất động địa.
-   Án phạ tất ra a ni bác ra ni ấp đà da sa ha ( 3 lần ).

2. Nếu ngồi Kết Già thì đọc bài kệ:
                Kết Già phu tọa,
                Đương nguyện chúng sinh,
                Tọa Bồ đề tòa,
                Tâm vô sở trước.
-   Án phạ tất ra a ni bác ra ni ấp đà da sa ha ( 3 lần ).

3. Nếu ngồi ghế thì phải chú ý, phải để thân ngay thẳng, không được dựa thân vào ghế.
- Đọc xong câu chú để trạng thái thân tâm thư giãn, thoải mái, đặt đầu lưỡi lên chân hàng răng trên rồi hít vào sâu bằng mũi, thở ra từ từ bằng miệng qua 2 kẽ chân răng. Lần đầu quán tưởng hít vào quán tất cả những khí lành ở bên ngoài đều theo hơi thở đi vào qua hai lỗ mũi, tới Đan điền; thở ra quán tất cả những trược khí trong cơ thể đều theo hơi thở và khắp các lỗ chân lông trên tấm thân tứ đại hư huyễn này mà ra sạch...

- Hơi thứ hai hít vào sâu, quán tưởng các công đức thù thắng (Bạch nghiệp) đêu theo hai lỗ mũi mà vào, trụ ở Đan Điền rồi từ từ thở ra, tưởng tất cả các phiền não nhiễm ô (Hắc nghiệp) đều theo hơi thở và khắp các lỗ chân lông trên toàn châu thân đều theo đó mà ra, không  chút ngăn ngại...

- Hơi thứ ba hít sâu, trụ nơi Đan Điền và quán tưởng từ nơi sinh thân này mà sinh ra được vô lượng công đức, tưởng hơi thở ra khắp thân mình có một vòng ánh sáng (Hào quang) bao bọc xung quanh, do công đức trì Giới (Niệm Giới) mà sinh ra...

- Hơi thứ tư hít sâu, trụ nơi Đan Điền và quán tưởng từ nơi sinh thân này mà sinh ra được vô lượng công đức, tưởng hơi thở ra khắp thân mình lại có một vòng ánh sáng (Hào quang) bao bọc xung quanh, do công đức tu tập thiền định và niệm Phật mà thành (Niệm Định)...

- Hơi thứ năm hít sâu, trụ nơi Đan Điền và quán tưởng từ nơi sinh thân này mà sinh ra được vô lượng công đức, tưởng hơi thở ra khắp thân mình lại có thêm một vòng ánh sáng (Hào quang) bao bọc xung quanh, do công đức tu tập trí tuệ mà sinh ra (Niệm Tuệ)...

Bấy giời nên thở nhè nhẹ, hơi thở bình thường không khoan (chậm) không gấp (nhanh). Biết hơi thở ra vào qua hai lỗ mũi, thấu suốt tới Đan Điền, thấy biết phồng - xẹp. Cứ lần lượt như vậy, hít vào thở ra đếm một, hít vào thở ra đếm hai... tuần tự đếm tới mười và lặp lại ( nếu trong khi đếm mà lãng quên không nhớ thì bỏ đi đếm lại từ một). Nếu người tâm tán loạn nhiều thì hít vào đếm một, thở ra đếm hai tuần tự cho tới mười rồi lại quay lại một... Hoặc muốn niệm Phật thì hít vào thở ra niệm Nam, hít vào thở ra niệm Mô, tuần tự cho tới A, Di, Đà, Phật...
   
Trong khi ngồi luôn phải thức tỉnh, giữ cho tư thế ngay thẳng không cúi quá, không ngửa quá, không để thân nghiêng bên phải, vẹo bên trái, hoặc đầu cúi xuống. Nói tóm lại thân trụ ngay thẳng như tường vách, thế tọa vững như Đại Hồng Chung(chuông) đặt ngồi vậy.

Khi ngồi nếu các chướng khởi lên như đau tức lồng ngực, mỏi hai bên sườn, thần kinh căng thẳng... bấy giờ nên kiểm tra lại xem thân có siêu vẹo không? lưng có bị khom không? có ngửa quá không? đầu có cúi xuống không? Dụng tâm có gấp không...? Nếu thấy lỗi ở chỗ nào thì phải từ từ điều chỉnh lại. Thân sai thì điều thân, tâm gấp thì buông thư thân tâm xuống, để thân tâm trong trạng thái tự nhiên thì bệnh sẽ khỏi. Còn như thấy ma cảnh hoặc thân mình bị châm trích đau đớn... thì phải nhất tâm niệm Phật hoặc trì chú, quán về Không, Vô tướng, Vô tác Tam muội... ma cảnh sẽ tiêu.

Khi muốn xuất thiền, trước tiên phải chuyển tâm dần dần từ trạng thái Tế sang trạng thái Thô bằng cách niệm thần chú vãng sinh để hồi hướng cho Tam đồ Lục đạo. Niệm xong đọc bài kệ xuất thiền :
               
                Xả già phu tọa,
                Đương nguyện chúng sinh,
                Quán chư hạnh pháp,
                Tất quy tán diệt.
 
Sau đó khe khẽ cử động thân, vai, cổ, đầu. Cử động thân, vai, cổ, đầu mạnh hơn một lần nữa rồi tới hai bàn tay và xuất thiền. Khi xuất thiền không được đứng dậy đi ngay, mắt cũng không được mở ngay. Phải từ từ đưa chân xuống, cử động thân, vai, cánh tay, cổ, bàn tay mạnh hơn một lần nữa rồi mới xoa hai bàn tay cho ấm, lấy ức hai bàn tay áp vào mí mắt vuốt ra 3 lần. Lại xoa nóng bàn tay áp vào mí mắt vuốt xuống 3 lần. Ba lần vuốt ra, 3 lần vuốt xuống, xong lại xoa nóng để chà 2 bên Thái dương 8 lần, 2 tay xoa 2 tai 18 lần ( khi này mắt mới từ từ hé mở )rồi đặt tay phải xuống đầu gối, tay trái xoa đỉnh đầu theo chiều kim đồng hồ 10 lần rồi vuốt xuống sau gáy. Sau đó đưa hai tay xoa cho cơ thể ấm lên. Bắt đầu từ hai cánh tay, vai, lưng, đùi, chân, lấy hai bàn chân chà sát vào nhau làm cho ấm lên...sau đó mới từ từ đứng dậy. Nếu có thời gian thì đi kinh hành, niệm Phật khoảng 15 phút trở lên là tốt nhất.


Nói tóm lại khi thể nhập Thiền định phải từ Thô vào tế, khi xuất thiền phải từ Tế ra thô. Chẳng thể khinh xuất; nếu khinh xuất thì sẽ mang họa lớn. Từ chỗ phát tâm chí thành cầu đạo giải thoát mà ngược lại lại bị trói buộc bởi những sự sai lầm không đáng có thì thật là đáng tiếc. Người học Phật chúng ta chẳng đáng quan tâm ư!  Người tu tập thiền định có thể chia ra nhiều tầng lớp khác nhau:

- Người tu tập thiền định để cầu giải thoát, lấy kinh nghiệm thực tế để phổ cập, tận độ chúng sinh trên mọi căn cơ...

- Người tu tập thiền định là để cầu cho mình có một sức khoẻ dẻo giai, đầu óc minh mẫn, trí tuệ sáng suốt...

- Người tu tập thiền định là để cầu chữa một chứng bệnh nan y nào đó mà các loại thuốc thang, kể cả nền y học hiện đại hiện nay cũng  không chữa được. Nếu chúng ta lập ra một thời khoá công phu nhất định và nỗ lực tu tập thiền định đến một mức độ nào đó thì bệnh  sẽ dần khỏi.

- Người tu thiền định là để mong cầu bản thân thành đạt một ý nguyện chân chính nào đó...

Ngoài ra chúng ta phải khéo dùng trí tuệ để quán sát, pháp nào nên thủ, pháp nào nên xả, phải đúng với nhân duyên - thời tiết thực tế... Phải lánh xa sự vọng cầu... được như vậy Phật giáo mới gọi là "Thiền Định Chân Chính".

Cập nhật: Ngày 27 tháng tám năm 2010
Nguồn Chùa Tản Viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét