Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

Đi tìm sự thật về lời đồn người đàn ông mang hình hài quỷ ám





Ông Lai cố lạc quan để làm chỗ dựa cho vợ và con
Khoảng 30 năm nay, ở cái vùng quê nghèo thôn Văn Cao, xã Hữu Bằng, Kiến Thụy, Hải Phòng người dân vẫn rỉ tai với nhau về câu chuyện người đàn ông có thân hình " bị dị dạng ". Đó là anh Nguyễn Văn Vũ. Đằng sau những lời đồn thổi mang màu sắc huyền bí ấy, ít ai biết được rằng gia cảnh đôi vợ chồng và đứa con tội nghiệp suốt mấy mươi năm qua và sự thật về căn bệnh lạ Vũ mang trên mình.



Sinh con " bị dị dạng" do bị phạt


Câu chuyện ấy mang nhiều màu sắc hoang đường, cứ thế được người dân trong xã Hữu Bằng truyền tai nhau, rồi lan sang các xã lân cận, thậm chí giờ đây về đến đầu cái huyện lỵ nhỏ bé này đã được người ta kể cho mà nghe. Những tưởng theo thời gian câu chuyện ấy dần rơi vào lãng quên, nhưng vì "nhân vật" trong câu chuyện vẫn hiện hữu giữa đời thường, nên họ vẫn còn kể, còn nhắc đến mỗi khi có ai đó hỏi thăm.

Ban đầu khi nghe đến câu chuyện, không chỉ chúng tôi mà một ai đó chắc chắn rằng người đàn ông đó đẹp đẽ, phúc hậu như "bụt". Thậm chí trong trí tưởng tượng, rằng những đứa trẻ khi mới ra có khuôn mặt Phật, hiền lành, phúc hậu như trong bức tranh con đường thành Phật của Thích Ca Mâu Ni. Theo cái chỉ tay của bà Nguyễn Thị Loan, "các chú đi thêm khoảng 100 m nữa là đến. Ngôi nhà trước cửa có hàng râm bụt". Dù chưa hỏi han gì nhưng bà Loan cũng không quên nhanh miệng "chúng nó giống như tượng Phật bằng gỗ ngày xưa. Da dẻ cũng như vậy, màu gỗ mốc, mắt một mí, tai sát và quắp vào mà không phô mở ra như bình thường. Một đứa mất hồi nhỏ, bây giờ nhà ông ấy vẫn còn mỗi một đứa là thằng Vũ đấy".

 

Câu chuyện về người đàn ông mang thân hình  bị dị dạng  được người dân tô vẽ rằng: Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, ở làng Văn Cao, xã Hữu Bằng có một ngôi chùa rất linh thiêng. Ngày ấy, ngôi chùa bị bỏ hoang, đổ nát. Trong chùa chỉ còn sót lại một bức tượng Phật bằng gỗ còn nguyên vẹn. Qua thời gian, bức tượng Phật bằng gỗ ấy bị tróc sơn vì mưa nắng. Đám trẻ con chăn trâu trong làng thường ra đây chơi đùa, leo trèo hôn hít lên cả tượng Phật.

Ngày đó, có cậu bé Nguyễn Văn Lai (SN 1954) (cha của Vũ bây giờ - PV) khi đó vốn nổi tiếng là nghịch ngợm bởi những trò khiến người lớn phải lắc đầu, còn trẻ con thì nể phục mà theo. Một hôm chơi trong chùa, cậu bé Lai trèo lên xoa vào đầu bức tượng rồi nói "Đẹp trai nhỉ, giá như mai sau mình lấy vợ và đẻ được người con thế này thì tốt". Không ai ngờ rằng câu nói đùa ấy, sau này nó lại thành hiện thực "vận" vào hai đứa con của ông.

Năm 1976, ông Lai xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Bái, đôi vợ chồng nghèo ở một ngôi nhà tranh cuối làng Văn Cao. Năm 1980, vợ chồng ông Lai sinh được người con trai đặt tên là Nguyễn Văn Vũ. Khi mới sinh, người Vũ đỏ hỏn như quả mận chín, gia đình cứ tưởng trẻ con mới đẻ ra người đỏ như vậy là bình thường. Nhưng đến tuổi thứ 3 mà Vũ vẫn đỏ hỏn, cái đầu bóng và không mọc được một cọng tóc nào, da bị trốc vảy, không đi lại được chỉ nằm với ngồi.

Năm 1982, vợ chồng ông Lai lại sinh được người con gái tên là Nguyễn Thị Lê mặt mày và nước da cũng đỏ hỏn và bị tróc vẩy giống hệt như người anh trai. Hai người con của ông Lai lớn lên chẳng nói chẳng rằng, mắt to, môi thâm, đầu trọc, suốt ngày ngồi như tượng. Trước những sự kiện có sự trùng lặp đến như đúc ấy, người dân mới không ngớt lời xì xầm bàn tán về câu chuyện xảy ra ở ngôi chùa hoang cuối làng năm xưa, câu chuyện ông Lai bị " bụt" phạt.

Như càng tin vào lời oan nghiệp, cả gia đình và họ hàng ông hết sức hoang mang, lo lắng. Nghe mọi người bảo ở chùa nào linh vợ chồng ông Lai đều đi lễ chùa, cúng vái tứ phương. Cứ chỗ nào ai bảo có thầy hay, thầy giỏi là vợ chồng ông lại tìm đến. Rồi ba đứa con kế cận sinh ra bình thường và khỏe mạnh. Dạo ấy người ta cứ bảo rằng, gia đình ông may mà đi "giải nghiệp" sớm nên thương lòng "bụt" mới tha cho.

Đi tìm sự thật quanh lời đồn

Nghe người ta nói, cũng nhờ con đường chạy qua mà ông đã thoát nghèo. Hỏi thêm về gia cảnh của ông, ở trong làng Văn Cao này ai ai cũng rõ, có người chia sẻ "ai ở cái làng này cũng thương cho vợ chồng ông Lai, ông ấy nghèo lắm lại có 5 đứa con thì 2 đứa bị bệnh tật, chạy chữa không biết bao nhiêu là tiền của mà không khỏi. May đận vừa rồi có dự án đường cao tốc chạy qua được đền bù được ít nên mới có chút tiền cất được căn nhà cấp bốn. Nếu không có nguồn tiền đền bù ấy chắc chẳng biết khi nào "xóa" được nhà tranh tre dột nát.

Trước đây mỗi khi nhắc đến cái gia đình khổ hạnh ấy, người ta chỉ biết đem câu chuyện "thần thánh" ra mà mua vui hay để làm quà. Nhưng có lẽ lâu ngày, với những người hàng xóm lân cận tỏ tường gia cảnh thì thật sự đáng cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh của ông.

May mắn hôm nay ông Lai có nhà. Người đàn ông có thân hình chắc khỏe, vạm vỡ, nước da ngăm đen. Nhìn kỹ trên mặt ông người ta có thể cảm nhận được sự từng trải bôn ba và gánh trên vai cả một đại gia đình khốn khó.

Rót nước mời khách, ông Lai kể lại rằng. Lớn lên, tuổi mười tám đôi mươi, ông nhập ngũ tham gia vào quân ngũ từ tháng 3 năm 1975. Năm 1976, ông xuất ngũ trở về quê rồi cưới vợ, sau đó ông tiếp tục đi làm nghĩa vụ quân sự đến năm 1979 thì về hẳn lập nghiệp nơi quê nhà. Năm 1980, hai vợ chồng vui mừng khôn xiết khi đứa con trai chào đời. Gia đình đặt tên là Nguyễn Văn Vũ. Ông Lai bùi ngùi nhớ lại, lúc mới sinh, da Vũ đỏ như da quả mận, người nhà cứ nghĩ là  bị "tràm" sau đó đưa đến bệnh viện Nhi Đức để chăm sóc trong lồng ấp khi mới được vài ngày tuổi. Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh cho Vũ là bị tắc tuyến mồ hôi do bẩm sinh. Hai năm sau, vợ chồng ông tiếp tục sinh thêm người con thứ hai là Nguyễn Thị Lê với những triệu chứng tương tự.

Người mang hình hài tượng phật ở Hải Phòng, Tin tức trong ngày, hinh hai tuong phat, nguoi phat, tieng don, di dang, bao, tin tuc, tin hot, tin hay
Mẹ của Vũ lúc nào cũng nặng trĩu nỗi buồn về con
Gặp Vũ, ban đầu chúng tôi cũng giật mình bởi ngoại hình của anh có nét giống tượng, chúng tôi hiểu vì sao người ta lắp ghép thành câu chuyện logic như vậy. Trò chuyện cùng Vũ, thấy anh rất thật thà và thân thiện, giọng nói trầm ấm trái ngược hẳn với ngoại hình. Kể từ khi Vũ mang trong mình căn bệnh ấy, phận mang nặng đẻ đau những người như bà Bái lòng nghĩ mà buồn cho số phận. Chưa hết đau đớn về những đứa con bất hạnh, tiếp đó là những lời dị nghị, đồn thổi của người dân khiến đôi vợ chồng trẻ ấy như chết điếng người đi. Nhiều lúc ông Lai bàn tính với người vợ là muốn ôm con bỏ đi một nơi thật xa cái làng này để được sống yên ổn. Nỗi lòng của kẻ làm cha làm mẹ, hơn ai hết họ hiểu rằng chẳng có một lời nguyền hay thứ ma quái thần linh nào trên đời này cả.

Năm 1986, gia đình đưa anh Vũ và Lê lên bệnh viện Việt - Tiệp khoa Da liễu ở Hải Phòng xét nghiệm và chạy chữa. Kết quả xét nghiệm của bệnh viện khẳng định, hai đứa trẻ bị mắc phải bệnh do tắc tuyến mồ hôi bẩm sinh. Nguyên nhân lúc ấy bác sĩ ghi trong bệnh án là do "nhiễm xạ". Nghĩ về những năm tháng chiến đấu trong quân ngũ, cứ mỗi lần bắn xong đầu đạn cỡ lớn thì ông Lai là người được phân công phải vệ sinh bệ phóng. Có đôi ba lần trong lúc làm việc tôi đã hít phải thứ khí "Ô" khí "Gơ" gì gì đó. Có lẽ chính thời gian chiến đấu gian khổ ấy ông Lai đã bị nhiễm phải một thứ chất độc gì đó nên mới để lại di chứng trên những đứa con của mình?

Là trưởng thôn, là người cùng làng với gia đình ông Lai, hơn ai hết ông Nguyễn Trường Sơn biết rõ tình hình nhất. "Ngày trước đình, chùa bị tàn phá, trẻ con vào chơi là chuyện bình thường. Ông Lai hồi đó nghịch thật nhưng những lời đồn thổi hoàn toàn không có thật. Tượng ở chùa, trẻ con đứa nào chả sờ, chả nghịch mà chưa kể những người phá chùa sao họ lại chẳng bị gì? Hơn nữa, năm 2010 và trước đấy gia đình ông Lai đã đưa các cháu đi xét nghiệm và có kết luận là bị nhiễm xạ.  Hai đứa con mắc phải một căn bệnh hiếm gặp nên mọi người cứ thế thêu dệt nên cho ly kỳ" - ông Sơn giãi bày.

Từ khi sinh ra cho đến bây giờ mọi sinh hoạt của Vũ gặp rất nhiều khó khăn và phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác. Làn da lúc nào cũng khô, bong, nứt nẻ. Mỗi sáng thức dậy độ chừng 15 phút, Vũ phải "đợi" cho cho đến khi da co giãn ra rồi mới hoạt động được. Mỗi ngày Vũ đều phải dùng thuốc mỡ bôi da và thuốc nhỏ mắt, trung bình một tuần hết hai lọ. Ngồi được một lúc, Vũ đứng dậy thì dưới đất quanh chỗ Vũ vừa ngồi những lớp da chết bong ra và rơi xuống. Đôi mắt anh mờ đục dần, gần đây mắt kém đi và không có khả năng tự đi lại được nữa. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều do tay người mẹ chăm sóc, hỗ trợ.

Hiện tại, Vũ được chế độ 202 dành cho người tàn tật, mỗi tháng anh được trợ cấp 360 nghìn đồng. Những giấy tờ xét nghiệm khi xưa đã bị thất lạc nên không đủ hồ sơ để làm chế độ cao hơn cho Vũ. Mỗi khi trái gió trở trời, khắp mình đứa con tội nghiệp lại đau nhức ê ẩm. Nỗi đau về thể xác không làm vơi và lấp đi được khoảng trống trong cái gia đình khổ hạnh ấy. Mùa đông đến gần, Vũ lại sắp phải chịu trận bởi căn bệnh ấy hành hạ như đã từng hành hạ anh mấy mươi năm không khi nào ngớt 
Nam Hà (Theo CAND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét