Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

Kỳ bí những bức ảnh “người âm”


Trong thời gian gần đây, dư luận xôn xao bàn tán về việc những người có khả năng chụp ảnh cho người âm, lại có cả những chuyện người bình thường bỗng dưng chụp được ảnh của những người thế giới bên kia.
Một đề tài nghiên cứu về khả năng chụp hình người âm cũng đã được công bố và nghiệm thu tại Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người với 1.000 tấm ảnh. Tuy nhiên, chính những nhà khoa học này cũng khẳng định, cần phải tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu mới lý giải được...
 

Kỳ bí những bức ảnh “người âm” 

Thiếu tướng Chu Phác, chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm lý và nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, chủ nhiệm bộ môn Dự báo, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người đều đang giữ nhiều tấm hình được cho là chụp “người âm”. Một bức ảnh khổ lớn có hình mặt người khá rõ theo Thiếu tướng Chu Phác được ông chụp lúc 11h10 ngày 30-3-2000 tại trại tạm giam Phú Lương, thôn Đồng Xe, xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên. Lúc đó ông cùng gia đình cố GS.VS Nguyễn Văn Đạo - ĐHQG đi tìm mộ cụ thân sinh ra ông Đạo có tên là Nguyễn Văn Nguyên. Ông Nguyên sinh ngày 20-8-1901, mất ngày 20-11-1955 do bị bắt oan và mất trong trại tạm giam này. Khi đi tìm mộ, người phụ  trách trại giam thuở nào đã chỉ cho gia đình chỗ chôn cụ. Sẵn máy ảnh trong tay, ông Phác  đã chụp đám cỏ xanh trên phần mộ cụ. Lúc đó xác của cụ được chôn dưới đất khá sâu. Khi về nhà rửa ảnh, tự nhiên khuôn mặt cụ hiện ra khá rõ. Gia đình cụ nhìn thấy khuôn mặt này đều rất bất ngờ. 
TS. Nguyễn Chu Phác cũng cung cấp một tấm ảnh người ta gửi đến cho ông qua thư điện tử, trường hợp một người đi tìm mộ liệt sỹ của nhà mình, khi chụp vào chỗ hài cốt được lộ ra thấy hiện hình một số liệt sỹ đang nằm ở đó với tư thế trạng thái đang chết đội mũ tai bèo và những khuôn mặt rất rõ nét. 
Đầu tháng 2-2010, thông tin nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài đã chụp được bức ảnh của một linh hồn liệt sĩ mới được quy tập từ nước bạn Lào cũng gây bàng hoàng dư luận. Đó là liệt sĩ Lương Xuân Tách. Liệt sĩ Tách hi sinh và có giấy báo tử cho gia đình vào năm 1971. Liệt sĩ có người con duy nhất là anh Lương Đoàn Mạnh. Anh Mạnh đã nhiều lần đi tìm mộ cha mà không được. Vào năm 2009, anh gặp được nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài. Sau khi có thêm một số thông tin từ đồng đội của liệt sĩ cho biết, thì liệt sĩ hi sinh tại Xiêng Khoảng - Lào, nhưng địa điểm cụ thể thì không rõ. 
Chị Hoài đã chỉ dẫn ra địa điểm hài cốt của liệt sĩ Tách. Lần này chị Hoài đề nghị gia đình mời anh Quân, nhà ở Mạo Khê, người có khả năng gọi được linh hồn người đã khuất hiện hình lên chiếc điện thoại cầm tay của anh ta để thân nhân chụp lấy ảnh người quá cố, bởi gia đình cũng không có ảnh để thờ. Tại nơi có hài cốt liệt sĩ Tách mà chị Hoài chỉ dẫn, anh Quân nói đã trông thấy liệt sĩ và nói rằng chỉ có chị Hoài là chụp được ảnh liệt sĩ. Kỳ lạ thay khi hình ảnh liệt sĩ hiện lên điện thoại của anh Quân, mấy chiếc máy ảnh chĩa vào nhưng chỉ mình chiếc điện thoại di động của chị Hoài là chụp được ảnh. Khi mang tấm hình về quê, mọi người trong họ hàng đều xác nhận, người trong bức ảnh đúng là Liệt sĩ Lương Xuân Tách. 

Những vòng tròn ánh sáng 

 Đề tài nghiên cứu về khả năng chụp hình người âm cũng đã được công bố và nghiệm thu tại Trung tâm nghiên cứu Tiềm năng con người với 1.000 tấm ảnh do ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, chủ nhiệm đề tài. Các bức ảnh được thực hiện ở nhiều địa điểm trên đất nước: Đà Lạt, TP.HCM, chợ âm phủ Hà Nội, nghĩa trang Văn Điển, sông Tô Lịch, nhà tang lễ, nhà đề lao Trung ương. Phòng Cảnh sát Giao thông cũng cung cấp cho ông hệ thống các điểm đen giao thông trên địa bàn Hà Nội, tại những điểm này ông đều chụp được những bức ảnh có vòng tròn sáng. Ông bảo: Tháng 8-2007, tôi cùng đoàn của trung tâm vào Đà Lạt, Lâm Đồng làm việc, tôi đã chụp được ảnh ngôi nhà ma Đà Lạt có vòng tròn rất sáng. 
Sau khi được các nhà ngoại cảm của trung tâm cho biết vòng tròn đó là ảnh chụp trạng thái của một vong, tôi đã không cùng đoàn về Hà Nội mà quyết định ở lại chụp ảnh ngôi nhà lúc sáng sớm và chiều tối. Từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu nghiên cứu mở rộng để xem những nơi nào có vòng tròn như vậy. Khi truy cập để tìm tài liệu trên thế giới, tôi đã bắt gặp rất nhiều trang web giới thiệu về những vòng tròn như vậy. Một lần khác tôi đi cùng nhà ngoại cảm Trần Văn Lưu, khi nhìn thấy nhiều linh hồn đang trèo cây, anh bảo tôi chụp ảnh, tôi chụp thì thấy rất nhiều vòng tròn sáng. Anh nói họ đi ra chỗ khác thì khi chụp không còn những vòng tròn sáng nữa. Phải nói thêm là những vòng tròn này, mắt thường tôi và các bạn không nhìn thấy, chỉ khi chụp ảnh và phải rất may mắn mới chụp được. 

Những vòng tròn này khi phóng to có hình mặt người rất rõ. Rất nhiều bức ảnh do các phóng viên, cảnh sát chụp cảnh tai nạn giao thông trong những năm qua được đăng tải trên báo, khi tìm lại ông phát hiện nhiều bức có vòng tròn sáng như bức ảnh chụp tai nạn giao thông trên đường Phạm Hùng năm 2009 đăng trên báo Lao Động. 

Trong những bức ảnh chụp người đi cầu siêu cho người đã khuất của ông cũng hiện lên nhiều đốm sáng (được gọi là “người âm”) do các nhà ngoại cảm chuyển cho ông để thẩm định xem liệu có đúng không. Hầu hết các bức ảnh này chụp những người đi cầu siêu cho người đã khuất. Trong khung cảnh tranh tối, tranh sáng, khói hương nghi ngút, hình những người cầu siêu hiện rất rõ. Tuy nhiên, các bức ảnh chụp lên đều có những chấm tròn bên trên. Cũng với máy ảnh này chụp các bức ảnh khác không phải lễ cầu siêu thì hoàn toàn không có chấm tròn. Theo một số nhà ngoại cảm thì chấm tròn trên các bức ảnh rất giống nhau, có thể đó là vong (vong hồn). Theo họ nói chung, các linh hồn lang thang đều ở gần mặt đất. Còn các vòng ánh sáng ở trên cao là những "thiên thần", có nghĩa là những linh hồn đã được nâng lên ở mức độ cao. 

Cần nghiên cứu có hệ thống 
Ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp UIA (Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng) cũng cho biết, thế giới đã công bố nhiều bức ảnh trên các lâu đài cổ có “người âm” đang đứng. Thậm chí, có những bức ảnh rõ hoàn toàn các chi tiết của một con người. Tại UIA cũng đã chụp được bức ảnh những chiếc thuyền buồm với nhiều đốm sáng xung quanh, hiện lên trên dòng sông Lam trong lễ cầu siêu cho các vong linh liệt sĩ. Cũng có nhiều nhà ngoại cảm đưa ra các hình ảnh mờ ảo, các vòng tròn và khẳng định đó là ảnh của người đã khuất. 
Trong cuốn “Sự sống sau cái chết” (Life after life) của Raymond A. Moody, một nhà gọi hồn hiện đại đã dẫn ra nhiều trường hợp những người đã trải qua trạng thái cận tử. Sau khi thoát chết và trở lại cuộc sống một số người đã kể rằng, họ đã biến thành một vòng tròn ánh sáng: “Khi tim tôi ngừng đập... tôi cảm thấy như mình là một quả bóng tròn hoặc một hình cầu nhỏ. Tôi không thể nào mô tả được nó”. Hoặc: “Tôi thoát ra khỏi thể xác của mình và tôi quan sát nó từ cự ly cách đó khoảng 10m, nhưng ở đó tôi vẫn có khả năng suy nghĩ giống như bình thường”. 
Những tài liệu dẫn trên cũng phù hợp với quan điểm của một số nhà khoa học khác. Chẳng hạn TS Boris Isakov, người Nga cho rằng, linh hồn là một thứ vật chất siêu nhẹ có thể chụp ảnh được. Nếu theo các quan niệm trên thì các vòng tròn ánh sáng sẽ là một trạng thái tĩnh của linh hồn. Đến một lúc nào đó nó chuyển sang trạng thái động, tức là nó có thể biến một phần thành dạng mặt người hoặc toàn bộ cơ thể. Nó có thể giao tiếp với các linh hồn khác như lời kể của một người cận tử trong cuốn sách nói trên của Raymond A. Moody: "Tôi có thể trông thấy cánh tay từ nguồn sáng đó chạm vào tôi... và tôi đưa tay ra nắm lấy bàn tay ấy...". 
Raymond Moody cũng bố trí một phòng đặc biệt để cho người sống nhìn hình ảnh người chết qua một tấm gương. Gương có hình chữ nhật cao 1,22m, rộng 1,07m được đặt trong 1 góc phòng cao hơn mặt đất 0,915m. Một chiếc ghế bành được đặt trước gương sao cho người ngồi nhìn gương thoải mái và chăm chú trong một thời gian kéo dài và không nhìn thấy hình của mình trong gương. Trước khi vào phòng gương, khách phải tập trung tư tưởng nhớ lại người đã chết, xem album, kỷ vật… sau đó được đưa vào phòng, tập trung ý nghĩ đến người đã khuất, và kết quả rất nhiều người đã nhìn thấy hình ảnh người đã khuất. 

Tuy nhiên có hay không việc chụp ảnh được người ở thế giới bên kia cần được nghiên cứu khoa học một cách có hệ thống, không thể khẳng định được đó là linh hồn hay chỉ là do hiệu ứng của ánh sáng, kỹ thuật của người chụp... Thậm chí, khi ống kính máy ảnh có một hạt bụi thì cũng tạo ra được một đốm sáng hoặc người chụp run tay, rê tay thì hiệu ứng bức ảnh cũng đã khác... nên cần thiết phải có sự nghiên cứu một cách nghiêm túc nhất, có kiểm chứng bằng hội đồng khoa học, có chứng cứ và phản biện rõ ràng mới có thể kết luận được.   

Mai Hà An ninh thủ đô

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét